Tìm hiểu về đèn EL34/6CA7

Tìm hiểu về đèn EL34/6CA7

Cập nhật lần cuối 11/08/2022 Lượt xem: 2.12k

Bài này do Lê Kim Thạch viết và đăng từ những năm đầu thế kỷ 21. Với âm thanh khá ngọt ngào và quyến rũ, đặc biệt là ở tiếng trung, đèn EL34 rất nổi tiếng trong thế giới ampli hi-fi từ xưa tới nay. Một số người ham mê đèn thậm chí còn đánh […]

Bài này do Lê Kim Thạch viết và đăng từ những năm đầu thế kỷ 21.

Với âm thanh khá ngọt ngào và quyến rũ, đặc biệt là ở tiếng trung, đèn EL34 rất nổi tiếng trong thế giới ampli hi-fi từ xưa tới nay. Một số người ham mê đèn thậm chí còn đánh giá EL34 cao hơn cả 6550 vì sự ấm áp nồng nàn trong màu âm. EL34 đã được lắp trong các ampli nổi danh như Marantz, Acrosound, Altec, Dynaco, EICO, Fisher… và vô vàn ampli đời mới sau này.

Lịch sử ra đời

Theo nhiều tài liệu, EL34 ra đời khoảng đầu những năm 1950, khi hãng Philips giới thiệu cùng một đợt với đèn van GZ34. Có người cho rằng EL34 được thiết kế dựa trên mẫu đèn 4699 (dành cho ampli chiếu phim), song cũng có ý kiến nhận định rằng đèn EL34 mô phỏng đèn EL37 bởi các chỉ số ban đầu của cả hai đều khá tương đồng. Tuy nhiên, nếu muốn sản xuất đèn 4 cực hướng chùm (beam tetrode) thì Philips phải mua bản quyền của RCA với giá rất cao nên cuối cùng, Philips đã quyết định chế tạo EL34 theo kiểu đèn 5 cực (pentode) để tránh rắc rối về bản quyền, giảm được giá thành sản phẩm.

Dòng đèn công suất với ký số EL3x được phân ra thành hai nhánh riêng là đèn dùng cho âm thanh hi-fi (như EL31, EL34, EL37) và đèn dùng cho máy TV truyền hình (EL36, EL38), song chúng có hình thức và các chỉ số kỹ thuật gần như tương đồng. Theo Philips, điện áp anode tối đa của đèn EL34 lên đến gần 800V, nhưng xem chừng con số này rất khó tin bởi đa số đèn công suất octal (tám chân to) chỉ đạt điện áp tối đa 400-500V mà thôi.

Các ampli đầu tiên dùng đèn EL34 là Marantz 2 (1955), Dynaco Mark II (1956) và một ampli khá hiếm hoi với tên gọi Mozart loại single-end công suất 9W của Anh (1956). Những nhu cầu tải đơn giản cho phép các ampli stereo 30-40W chỉ cần dùng 4 đèn EL34, với một đèn kép triode-pentode làm khuếch đại điện áp và đảo pha là đủ. Điển hình của thiết kế này là ampli stereo mang tên Stereo-70 của Dynaco (Mỹ). Ít nhất đã có tới nửa triệu ampli Stereo-70 được tiêu thụ từ năm 1958 tới 1977. Đèn EL34 cũng được dùng trong ampli Leak ST-50 và ST-60, Marantz 5, 8A và 9; H. H. Scott 240, 250, Eico HF35, HF87, Heath W-7A; Acrosound UL-II và UL-120, Fisher 55A, 200, và nhiều nhiều model khác. Đây là những ampli đèn thuộc lại tốt nhất thời đó, chúng chứng tỏ EL34 là nhân vật “không phải tay vừa”. Chính vì thế, nhiều tay chơi đã đánh giá EL34 cao hơn cả đèn 6550 và một số loại khác.

Sự nổi tiếng của đèn EL34 trong ampli chơi đàn được đánh dấu bằng việc Jim Marshall đưa vào ampli guitar JTM45 của anh năm 1965. Chiếc ampli này sau đó trở nên rất nổi tiếng trong thế giới nhạc blues-rock. Vì được thiết kế theo kiểu pentode với cấu trúc khác các đèn thông thường nên EL34 có đặc tính méo tiếng (tỷ lệ các sóng hài trong âm thanh) khác biệt so với các đèn công suất khác, vì thế chất âm của EL34 đã ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu sắc tới âm sắc nhạc rock heavy.

Các loại đèn EL34

Cho đến nay, những người theo “chủ nghĩa hoàn hảo” vẫn đi tìm các phiên bản đèn EL34-NOS. Thế hệ đèn EL34 đầu tiên là đèn Philips/Mullard Loại I (không có mã Xf), đỉnh phẳng, vành đế kim loại mạ ni-ken. Các anode màu xám được hàn vào một tấm kim loại lớn hình tròn trên đỉnh đèn. Mỗi anode có hai ô cửa nhỏ hình chữ nhật. Đèn này chủ yếu được chế tạo ở cơ sở sản xuất chính của Philips tại Hà Lan. Chúng ra mắt khách hàng với nhiều nhãn hiệu khác nhau như Amperex Bugle Boys, Mullard, Telefunken…

EL34 Loại I được đánh giá là đèn tốt nhất từ xưa tới nay. Mã ngày (date code) của đèn được đóng dấu vào phía trong đế (chứ không khắc trên bóng thủy tinh như các phiên bản sau này). Công suất tiêu tán là 25W và có thể cao hơn. Trong quá trình sủ dụng, khi tắt hoặc mở máy, đèn EL34 đôi khi có những tiếng nổ lách tách do giãn nở vì nhiệt ở các vòng kim loại.Đèn EL34 Loại II (mã Xf1) có đế dày hơn, làm từ bakelite (một loại nhựa tổng hợp) màu đỏ đậm hoặc nâu sẫm, chân được đánh số. Chính giữa chân định vị là một lỗ nhỏ. Đèn được thiết kế hai vòng hút khí nhỏ. Các anode cũng có hai lỗ hình chữ nhật giống Loại I. Phiên bản đầu tiên của EL34 Loại II (Xf1) xuất hiện năm 1957-1958 cũng với nhãn hiệu Amperex, Mullard, Telefunken… Các phiên bản sau đó thường có nhãn 6CA7/EL34 với logo của Amperex, Tungsram, RCA, GE hoặc Sylvania. Tất cả đèn Loại II (Xf1) đều có một cặp mã sản xuất gồm 4 chữ số.Đèn loại III xuất hiện vào khoảng cuối những năm 60. Đế của nó nhỏ hơn hai loại trên và có màu đen. Lúc đầu, các anode được bẻ cong, mỗi anode có ba lỗ vuông. Các chuyên gia cho rằng chất lượng đèn bắt đầu giảm vào thập kỷ 80 và các đèn EL34 anode dùng kỹ thuật hàn bấm là những đèn có chất lượng kém nhất. Nhiều đèn có bệnh về tán xạ ở lưới 2, về độ bền và tuổi thọ…

Chất lượng kết cấu kỹ thuật

Tạp chí VTV của Mỹ đã test một loạt đèn, chúng đều được kiểm tra với biến áp trở kháng sơ cấp 3.200 ohm và tải thứ cấp 8 ohm, điện áp anode 500V, lưới 2 là 300V, dòng anode tĩnh 75mA, độ méo đo được ở công suất 1W ở tần số 1.000Hz.Theo VTV, đây là bài test khá khắt khe với đèn EL34, nhưng hầu hết các model cũ đều không xuất hiện dấu hiệu bị nóng (đỏ phiến) ở anode hay lưới 2. Tuy nhiên, vài mẫu đèn mới lại xuất hiện một số điểm đỏ phiến. Nhìn vào thông số độ méo tiếng, các đèn EL34 thời kỳ đầu có độ méo dưới 0,6%, trong khi, các đèn sau này lại cao hơn. Đây cũng là một bằng chứng cho nhận định chất lượng đèn nói chung sau thập kỷ 60 có xu hướng đi xuống. Những ai cho rằng đèn mới tốt hơn đèn NOS thời kỳ 1950 là hoàn toàn sai lầm.

Chất lượng âm thanh

Đèn EL34 được đánh giá theo thang điểm tối đa là 5 trên cơ sở một số tiêu chuẩn sau đây:

• Độ méo tiếng: Là sự nhấn mạnh vào một dải tần cụ thể, khiến cho âm thanh ở những tần số đó trở nên nổi trội hơn, tức là mang âm sắc: ấm áp, lạnh lẽo hay sáng chói…

• Dải động: Thể hiện khả năng trình diễn âm thanh từ mức nhỏ nhất đến mức lớn nhất, gồm cả những chi tiết âm thanh tinh vi nhất.

• Độ trong trẻo: Là đặc tính tái hiện giúp bạn có thể “nhìn” thấu bản nhạc.• Độ mở tần số: Dải âm thanh từ tần số thấp nhất đến cao nhất mà thiết bị trình diễn được.

• Sức lôi cuốn: Khả năng “hớp hồn” người nghe vào các giai điệu âm thanh.• Tính ba chiều: Bức chân dung chính xác về vị trí các nhạc cụ và ca sĩ trên sân khấu âm thanh.

• Nhịp điệu: Sự nhấn mạnh hợp lý, đúng mức vào các nét nhạc hoặc lời ca khiến bạn có cảm giác rất muốn “nhảy” theo tiếng nhạc.

Kết quả như sau:

1. Amperex Bugle Boy hút khí dạng Double-D đế nâu – 1961: Âm thanh khô lạnh, mượt mà, trong trẻo. Độ mở của dải tần cũng như âm hình tốt. (3,82 điểm).

2. Amperex đế nâu – 1966: Trình diễn xuất sắc, nổi bật. Dải động và độ mở tần số rất đặc biệt. Mọi mặt khác đều được đánh giá cao. (4,03 điểm)

3. Trung Quốc (Shuguang) – 2001: Một sản phẩm rẻ tiền đất nước Trung Hoa đi theo thiết kế Mullard Xf2, được đánh giá ở mức trên trung bình, với độ trong của âm thanh và độ mở của tần số khá tốt. Các mặt còn lại ở mức vừa phải. (3,22 điểm).

4. Ei đèn “gầy” (Serbia sản xuất) – 2001: Tiếng ấm áp, mềm mại, hấp dẫn nhưng có vẻ rành mạch và hơi khô. Cần cẩn thận khi dùng đèn này với ampli điện áp cao. Nó có thể gặp phải rắc rồi về thiên áp và bị nóng khi hoạt động. Đặc tính nổi bật là âm sắc khô và ấm. (3,2 điểm).

5. Ei đèn “béo” – 2001: Một phiên bản của đèn Ei “gầy” – 2001. Nhưng kiểu dáng “béo tròn”, trông rất ấn tượng. Đèn trình diễn hơi sắc cạnh. Âm thanh khô và ấm (3,2 điểm).

6. Genalex KT77 Gold Lion – 1974: Đây là ví dụ sinh động cho nghệ thuật làm đèn của Anh. KT77 có mặt trong ampli Acrosound UL120 và một số ampli đèn của Anh những năm 60. Âm thanh trong trẻo, ấm áp, vui tai. (3,66 điểm).

7. Matsushita Nhật Bản – Thập kỷ 70: Âm thanh khô và lạnh (3,4 điểm).

8. Mullard Xf2 một hút khí – 1964: Đây là chiếc đèn chuẩn của Mullard và được sử dụng trong các ampli Dynaco, Fisher, Marantz… những năm 60. Rất nổi tiếng với phong cách trình diễn rõ nét, trong trẻo, mượt mà, trầm ấm (3,33 điểm).

9. Siemens ITT Đông Âu – 1991: Vài năm trước, đèn khá phổ biến nhưng nay được coi là đèn NOS. Tiếng lạnh, rõ ràng và êm. (3,44 điểm).

10. Sovtek EH 1999: Sovtek đã thiết kế lại đèn EL34 của mình với cấu trúc chắc chắn, lưới 2 mạ vàng. Đây rõ ràng là một sự nâng cấp so với phiên bản trước đó. Giá thấp. Đèn có âm thanh ấm áp, chi tiết, giàu nhạc tính nhưng hơi khô. (3,48 điểm).

11. Svetlana Đế nâu – 2000: Âm thanh rất giống đèn Mullard và được dùng trong một số ampli cao cấp. Đặc tính trình tấu nổi bật là mượt mà, ấm áp và cuốn hút. (3,8 điểm).

12. Sylvania 6CA7 – Thập kỷ 70: Giá tăng mạnh vài năm qua. Âm thanh lạnh, rõ ràng, có phần hơi sắc. (3,68 điểm).

13. Tesla Đế nâu (Phiên bản của Mullard Xf2) – 1991: Âm thanh rất mê hoặc, tiếng ấm và rõ nét. Dải động và độ mở tần số được đánh giá xuất sắc. (4,36 điểm).

Hiện nay, vẫn còn nhiều hãng sản xuất ampli tiếp tục sử dụng đèn EL34 làm đèn công suất, chủ yếu lắp theo mạch đẩy kéo. Trong các ampli đời mới, đèn đi theo máy chủ yếu là đèn do Trung Quốc, Công hoà Séc hoặc Nga sản xuất. Các đèn EL34/ 6CA7đời cổ của Mỹ hoặc Châu Âu(NOS) có chất lượng âm thanh đỉnh cao nên giá của chúng cũng rất đắt, vì thế chúng không được lắp trong ampli, trừ khi người dùng mua ampli về rồi tự thay đèn để nâng cấp. Trên thị trường hiện nay có nhiều đèn EL34 đời mới nhưng lại in nhãn đèn NOS, khi mua các bạn nên thận trọng.

Tags:
Chat zalo Messenger