Đánh giá một số loại đèn EL84/ 6BQ5

Đánh giá một số loại đèn EL84/ 6BQ5

Cập nhật lần cuối 02/12/2023 Lượt xem: 519

Ngày nay, những sản phẩm công nghệ cao ra đời liên tục, nhưng phần lớn sau một vài năm đã trở nên lỗi thời. Nhưng có những công nghệ cũ kỹ vẫn tiếp tục tồn tại trong một lĩnh vực đòi hỏi sự tinh tế và khá là khó tính như thú chơi âm thanh. […]

Ngày nay, những sản phẩm công nghệ cao ra đời liên tục, nhưng phần lớn sau một vài năm đã trở nên lỗi thời. Nhưng có những công nghệ cũ kỹ vẫn tiếp tục tồn tại trong một lĩnh vực đòi hỏi sự tinh tế và khá là khó tính như thú chơi âm thanh. Đó là đèn điện tử mà EL84 là một ví dụ.

Được sản xuất bắt đầu từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước, “đời sống” của đèn EL84 đã đi qua non ba phần tư thế kỷ. Cho đến ngày hôm nay, rất nhiều ampli của các hãng trên thế giới vẫn sử dụng đèn làm phần tử khuếch đại trong đó có cả đèn EL84. Cái tạo nên sức sống của đèn điện tử, đó chính là thứ âm thanh mê hoặc mà các ampli bán dẫn chưa thể tái hiện được.

Bài viết này sẽ phân tích và mô ta kỹ hơn về chất âm của một số loại đèn EL84 tiêu biều mà hiện nay những người mê am thanh vẫn còn cơ hội tìm được.Khác với đèn EL34 được sản xuất chủ yếu tại châu Âu, EL84 cũng đã được các hãng ở Mỹ như RCA và Sylvania, cũng như các hãng ở Nhật như Matsushita, Toshiba, Hitachi và NEC sản xuất, do đó có tính đa dạng rất cao. Hãng đầu tiên chế tạo đèn EL84 là Philips, nhưng nói đúng hơn phải là Tập đoàn Philips, bao gồm các thương hiệu Philips, Mullard, Telefunken và Valvo.

EL84 không phải tự nhiên được sinh ra, mà nó là sự tiến hóa của đèn EL11 được sử dụng trong các radio cao cấp từ trước thời Thế chiến thứ 2 và phát triển trên cơ sở đèn EL41 có công suất nhỏ hơn đôi chút. Điểm đặc trưng của thiết kế EL84 là hướng tới mục đích tái hiện âm thanh audio, đặc biệt là cho mạch Class A rất phổ biến ở châu Âu. Do vậy, tuy công suất không phải quá lớn nhưng độ méo cực thấp giúp EL84 trở nên nổi tiếng.

1) Mullard EL84 phiến tròn

Trong số các đèn được đánh giá lần này, đèn phiến tròn (anode có dạng ống tròn rỗng) của Mullard có cấu trúc giống với các đèn EL84 nguyên thủy đầu tiên. Thiết kế này cũng được dùng y hệt trong đèn Golden Lion N709 của GEC, sản xuất tại Anh và được xuất khẩu sang Mỹ.

Ấn tượng ban đầu của chúng tôi về đèn này là chất âm của nó rất đẹp, có cảm giác vừa thanh thoát nhẹ nhàng nhưng cũng có sức lôi cuốn đáng kể, một chất âm rất “truyền thống” với màu âm khá ấm cho dù thử vào bất cứ bộ loa nào. Bản thân tôi đã từng lắp ampli đèn dùng EL84/6BQ5 trước đây, nên những gì mà đèn EL84 này của Mullard mang lại tạo cảm giác hoài cổ rất mạnh. Đây cũng là chất âm thích hợp cho mục đích truyền cảm xúc cho người nghe.

Bên cạnh đó, đèn này cũng không thiếu những ưu điểm khác như dải tần rộng (điểm chung của các đèn Mullard), độ méo rất thấp, có khả năng bộc lộ được tốt tiềm năng của ampli và loa theo những cách mà các đèn khác không làm được.

2) Mullard EL84 phiến đa giác

Cũng là một trong những đèn EL84 với cấu trúc cơ bản nhất. So với đèn tròn của Mullard, đèn anode đa giác này dường như cứng cáp và có sức mạnh lớn hơn, đầy đặn và cân bằng hơn từ dải trung xuống tới dải trầm. Dù vậy, sự khác biệt này không phải là đáng kể lắm, hoặc sự khác biệt này cũng có thể là bởi đèn EL84 tròn mà chúng tôi nghe thử là đèn cũ, trong khi đèn đa giác này là gần như mới.

Nhìn trên toàn dải, việc sử dụng cấu trúc đa giác thay cho tròn đã mang lại ưu điểm lớn nhất ở tiếng bass chắc chắn, mạnh và cân đối hơn. Dù vậy đặc tính cơ bản của chất âm – đẹp và lôi cuốn – thì cả 2 đèn đều không kém gì nhau. Ngoài ra, công suất xuất âm của đèn đa giác cao hơn đèn tròn một chút vì chúng tôi đã phải giảm âm lượng đi 2dB.

3) Telefunken EL84

Khác với các đèn EL84 của Mullard chế tác tại Anh, đèn EL84 của thương hiệu Đức Telefunken có đặc trưng là sử dụng anode hình elip thay cho hình bát giác. Đây cũng là kiểu phiến từng được dùng trong các đèn tiền thân của EL84 như EL41. Đèn này cũng sở hữu nhiều điểm đặc trưng của các đèn Telefunken thập niên 60 ít nhiều khác biệt so với đèn của Mullard và Philips.

Chất âm của đèn EL84 do Telefunken chế tạo có độ chính xác cao, và nói chung là một chất âm riêng xuất sắc. Tuy nhiên, đối với nhiều người nghe, có thể thấy nó có hơi thiếu màu sắc và thiếu độ “ngọt”. Đây hoàn toàn không phải là chất âm yếu hơn Mullard hay Philips bởi nó vẫn truyền tải được những điểm đặc trưng của âm thanh một cách trung thực. Nhìn chung, đèn này sẽ hợp với những người muốn một chất âm chính xác và chi tiết, và không đòi hỏi quá nhiều về khả năng biểu cảm.

Không có gì phải nghi ngờ về độ chi tiết và sắc sảo, đèn EL84 Telefunken nắm bắt và tái hiện lại chính xác hoàn toàn các chi tiết cũng như cung bậc âm nhạc. Tính ưu việt của đèn Telefunken cũng nằm ở khả năng tái hiện một không gian âm thanh rộng và sâu, các nhạc cụ – đặc biệt là nhạc cụ dây ở dải trầm – có độ tập trung, độ nặng và âm sắc rõ ràng, và những đoạn cao trào mạnh mẽ cũng vang lên thật hùng vĩ, không thua kém gì các ampli bán dẫn cho dù về công suất nhỏ hơn nhiều.

4) Philips EL84 Miniwatt

Cái tên “Miniwatt” mà Philips đặt cho dòng đèn này nhằm ám chỉ việc sử dụng ít dây sợi đốt (filament) mà vẫn đạt được hiệu suất cao, mặc dù EL84 không phải đèn đầu tiên sở hữu danh hiệu này. Ở Pháp, đèn Philips và Valvo đôi khi đơn thuần chỉ được biết đến với thương hiệu Miniwatt. Ngoài ra, sau này Philips cũng cho ra đời đèn EL84 không phải Miniwatt, mặc dù về cơ bản chúng đều giống nhau.

Đèn EL84 này của Philips có chất âm rất giống với đèn EL84 tròn của Mullard, thậm chí còn tinh tế và chi tiết hơn một chút. Đèn này rất xuất sắc trong việc truyền tải cảm xúc, nhiệt huyết của các nghệ sỹ, đặc biệt là với giọng hát và độc tấu nhạc cụ. Có thể nói đây là một đèn “hiểu rõ người nghe muốn nghe gì”.

Cũng như đèn Mullard, đèn của Philips có xu âm thanh hướng hướng ngoại, cân bằng trên toàn dải âm và quyến rũ. Nhược điểm duy nhất là đôi lúc dải trầm và dải cao có thể bị mờ nhạt trước dải trung rất xuất sắc.

5, Siemens E84L

Khác với các đèn EL84 đời trước của Phillips hay Mullard, đèn E84L này có một điểm đặc trưng thường thấy ở các đèn mới hơn, đó là việc lưới khiển không có phần tỏa nhiệt. Đèn mà chúng tôi nghe thử lần này sản xuất vào cuối thập niên 60, thời kì mà bán dẫn bắt đầu trở nên phổ biến hơn so với đèn điện tử, do đó các bộ phận của bóng đèn như tỏa nhiệt dần được giản lược bớt đi nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất. Và nhiều đèn vào thời này được chế tác tại Đông Âu, nhưng đèn E84L này của chúng tôi là phiên bản sản xuất tại chính Tây Đức với chất lượng gần như mới.

Cảm nhận ban đầu của chúng tôi là đèn này có điểm giống với chất âm của đèn EL84 Telefunken. Đây không hẳn là một chất âm đẹp như Mullard, nhưng có độ chính xác cao, tinh tế tương đương đèn của Philips. Bóng này đặc biệt hợp khi nghe nhạc trên đĩa than với một đầu cartridge tốt, dải âm sẽ trở nên đặc biệt rộng, mang lại một chất âm có tính chi tiết cao nhưng lại không bị hơi chìm như của đèn Telefunken. Thay vào đó, nó vẫn giữ được hơi ấm và cái sống động của các bản nhạc, cho dù khả năng biểu cảm chưa bằng được đèn của Philips.

6, Sylvania 6BQ5

Khi được đưa sang Mỹ, đèn EL84 đã được đổi tên thành 6BQ5, và về cơ bản thì vẫn trung thành với kết cấu của EL84 sản xuất tại châu Âu. Đây là một điều khá đặc biệt bởi Mỹ ít khi dùng lại thiết kế đèn của châu Âu, mà nếu có thì cũng thường biến tấu để cho ra đời các đèn loại khác, nhưng 6BQ5 thì vẫn là đèn 5 cực như EL84.

Các đèn 6BQ5 Mỹ của RCA, Sylvania và General Electric khác so với đèn châu Âu chủ yếu ở tấm anode. Nếu là đèn EL84 thì nhìn từ ngoài vào sẽ thấy một tấm sắt phủ lớp nhôm màu xám, nhưng đèn 6BQ5 của Sylvania và RCA thì là một tấm nikel được carbon hóa.

6BQ5 của Sylvania là một đèn tập trung nhiều vào tính cân bằng, trung tính của âm thanh. Chúng tôi khó có thể nhận thấy bất kỳ yếu tố cường điệu hay khiếm khuyết gì trên nhiều thể loại nhạc khác nhau, mặc dù đổi lại, đôi lúc âm thanh của đèn này cũng tỏ ra khá “hiền lành”, hơi chìm và thiếu cá tính nổi bật.

Chất âm này cũng có thể coi là của hiếm ở Mỹ, nơi mà các sản phẩm từ đèn tới bán dẫn đều có xu hướng chung là âm thanh hướng ngoại, mạnh mẽ. Ngoài ra, do dựa trên công nghệ Mỹ, nên một số đèn 6BQ5 và 7189 của Nhật cũng có chung chất âm này, tuy không phải là tất cả.

7, RCA 6BQ5

Cũng như Sylvania, đèn 6BQ5 của RCA có tấm anode nikel màu đen, lấy từ thiết kế của đèn dòng 6V6. Ngoài phiến đen ra thì đây vẫn là đèn EL84 quen thuộc. Tuy cùng là đèn 6BQ5 sản xuất tại Mỹ, nhưng đèn RCA khác khá nhiều so với đèn Sylvania. Âm thanh cuae RCA hào nhoáng, nhiều màu sắc và hướng ngoại với dải bass trầm mạnh mẽ khiến người nghe cảm động một cách sâu sắc – đây mới đúng là chất âm Mỹ tiêu biểu. Dải trung âm nồng nàn, dày dặn và chan chứa chất nhạc, thậm chí có thể gọi là tráng lệ.Có thể nói ví von là, nếu chất âm của đèn châu Âu đẹp như ẩm thực Pháp, chất âm của đèn Nhật thanh đạm như một bữa cơm truyền thống, thì chất âm của đèn RCA này giống món bánh hamburger. Không phải ai cũng thích đồ ăn nhanh béo ngậy, cũng như không phải ai cũng thích âm thanh quá tưng bừng rực rỡ và dày của đèn này, nhưng nó cho thấy chất âm của đèn EL84 có thể biến đổi tới chừng nào qua các nhà sản xuất khác nhau.

8, Matsushita 6BQ5

Đây là đèn EL84 đầu tiên của Nhật, gần như giống hệt đèn Siemens cho dù mang mã hiệu 6BQ5 như đèn Mỹ. Những chiếc đèn Matsushita 6BQ5 được sản xuất vào khoảng cuối thập niên 60 đầu thập niên 70.

Tại Nhật Bản, sau Matsushita thì Toshiba, Hitachi và NEC cũng sản xuất đèn 6BQ5. Toshiba còn dựa trên đó mà cho xuất xưởng mẫu đèn nhỏ 6R-P15 và đèn beam 6R-B10. Đó là chưa kể tới những mẫu như 7189 và 7189A. Dù vậy, trong số đó đèn 6BQ5 vẫn là nổi tiếng nhất, nhờ độ méo thấp, công suất tuy không cao lắm nhưng bù lại tuổi thọ được kéo dài hơn, nhờ vậy được các audiophile Nhật Bản ưa chuộng.Tuy đã từng nhiều lần nghe đèn này rồi, nhưng phải đến khi so sánh với sản phẩm của các hãng khác, chúng tôi mới cảm nhận được hết chất âm của đèn này. Đó là một chất âm khá giống với đèn Sylvania: dải âm rộng nhưng từ tiếng treble tới tiếng bass đều phẳng, công suất ở mức vừa đủ nhưng không mấy ấn tượng.Đèn này sẽ tốt với những ai tìm kiếm chất âm trung tính, và cũng hợp khi nghe nhạc thư giãn, nhưng nó sẽ ít để lại cảm giác lắng đọng sau khi nghe xong. Nó thừa kế được các ưu điểm vốn có của EL84, nhưng không có sáng tạo nào đặc trưng.

9, Matsushita 7189

7189 có xuất xứ tại Mỹ, với những điểm khác biệt so với 6BQ5 như: tính chịu điện áp của anode cao hơn (từ 300V lên đến 400V), cho dù vẫn sử dụng cùng các linh kiện như 6BQ5. Đèn 7189 này là của Matsushita sản xuất, và mặc dù cấu tạo hầu như y hệt như 6BQ5, nhưng nhờ các thay đổi trong quá trình lắp ráp và quản lý chất lượng sản phẩm, nhằm đáp ứng mục đích dùng trong mạch class B, chịu điện áp tăng cao và dẫn tới công suất cao hơn, lên đến khoảng 20W. Ngoài 7189 ra, một số đèn 8 chân to khác có tính chất gần giống là 7591 hay 7868, nhưng 7189 thường là có giá rẻ hơn.

Nhờ có mức công suất được nâng cao, âm thanh của 7189 sống động hơn hẳn nhiều đèn EL84. Cân bằng âm sắc rất tốt, không gian âm thanh có cảm giác dày và có chiều sâu, giàu sức sống hơn. Đây có thể coi là chất âm tiến hóa theo chiều hướng tích cực: rộng mở hơn, ấn tượng hơn, thuyết phục hơn và đưa người nghe đến gần với âm nhạc hơn là chỉ thưởng thức từ một khoảng cách xa. Một sự trái ngược đáng kể so với chất âm thụ động của Matsushita 6BQ5.

10, TESLA EL84

Hãng Tesla, Cộng hòa Czeck (Tiệp Khắc trước đây) cũng khá nổi tiếng về sản xuất đèn điện tử. Đèn EL84 của Tesla có cấu trúc anode hộp đa giác tương tự như đèn Philips. Nhưng màu sắc anode có vẻ hơi sáng hơn. Trong các nước thuộc khối XHCN trước đây có nhiều nước làm đèn EL84 như Đông Đức với đèn RFT, Hungary với đèn Tungsram, Ba Lan với đèn Polam, Liên Xô với dòng 6P14P đại chúng.Nếu xét về chất âm, thì đèn Tesla được coi là tốt nhất trong số các loại đèn XHCN nói trên, với âm thanh tương đối cân bằng cả 3 dải, tiếng có độ ấm áp, dày dặn… tuy nhiên không thể có độ chi tiết và ngọt ngào trong dải trung âm như những loại đèn cao cấp của Mullard hay Philips. Hiện nay, một số nhà sản xuất của Nga như Electro Harmonix hay Sovtek vẫn tiếp tục sản xuất đèn EL84 mới để bán ra thị trường. Tuy nhiên những loại đèn này không có được chất âm đặc sắc như những loại đèn thế hệ trước như kể trên.

Bài viết sưu tầm từ Bác Lê Kim Thạch

Tags:
Chat zalo Messenger